HarmonyOS là hệ điều hành vừa được Huawei giới thiệu tại Hội nghị nhà phát triển Huawei (2019) diễn ra cách đây vài ngày.
Hệ điều hành mới của Huawei chủ yếu nhắm vào các sản phẩm IoT và được xem là kế hoạch dự phòng của công ty nếu họ không được phép sử dụng Android trên smartphone nữa. Huawei đã thận trọng không nói thẳng ra rằng đây là hệ điều hành thay thế Android, nhưng hãng nhấn mạnh rằng có thể sẽ sử dụng HarmonyOS trên các smartphone của mình khi bị dồn vào đường cùng.
Phát triển một hệ điều hành từ con số không không bao giờ là điều dễ dàng, chưa kể thời gian và tiền bạc bỏ ra. Chúng ta cũng từng thấy nhiều công ty thất bại trong việc thu hút các nhà phát triển đến với hệ điều hành mới toanh của họ. Tuy nhiên, Huawei muốn thực hiện mọi việc thật chậm mà chắc, bắt đầu với các sản phẩm IoT như chiếc Smart Screen mới vừa được giới thiệu.
Huawei đã tiết lộ khá nhiều thông tin về HarmonyOS, và dưới đây là tổng hợp 10 điều bạn cần biết về hệ điều hành này.
1. Quá trình phát triển bắt đầu từ năm 2017
Huawei bắt tay vào phát triển HarmonyOS từ năm 2017. Công ty quyết định đẩy nhanh quá trình trong năm 2019 để kịp trang bị cho các sản phẩm màn hình thông minh ra mắt năm nay. Phiên bản 1.0 sẽ nhắm vào các sản phẩm này trước tiên, ví dụ như chiếc Huawei Smart Screen mới ra mắt. Trong năm 2020, microkernel v2.0 sẽ được tung ra, và trong năm 2021, v3.0 sẽ ra mắt, hỗ trợ các thiết bị wearable.
HarmonyOS v1.0 vẫn sẽ được tích hợp nhân Linux bên cạnh microkernel của hãng, nhưng các phiên bản tương lai, từ 2.0 trở đi, sẽ hoàn toàn dựa vào microkernel.
2. Khác với Android, HarmonyOS được phát triển dựa trên microkernel
HarmonyOS của Huawei dựa trên microkernel, giống Fuchsia OS của Google. Điều này biến nó thành đối thủ trực tiếp của Fuchsia, thay vì là Android như mọi người vẫn nghĩ. Thiết kế này đảm bảo hệ điều mới có thể hoạt động trên nhiều loại thiết bị. Tức là, HarmonyOS là một giải pháp dùng cho nhiều thiết bị chứ không phải là một hệ điều hành chuyên cho smartphone.
Không như nhân Linux, vốn có một lượng tương đối lớn mã nguồn trong cùng một không gian chung, microkernel có lượng mã chung nhỏ hơn, cho phép giao tiếp giữa các thành phần nhanh hơn.
3. HarmonyOS sẽ không cho phép root
Huawei xác nhận sẽ không cho bạn truy cập vào root của HarmonyOS, nhằm tránh bất kỳ mối đe dọa an ninh nào có thể xảy ra trong tương lai. Công ty nói rằng root là một nguy cơ về mặt bảo mật đối với Android và các hệ điều hành dựa trên Linux khác.
4. HarmonyOS chủ yếu dành cho các sản phẩm IoT
Huawei dự kiến dùng HarmonyOS cho các sản phẩm IoT như wearable, màn hình thông minh, loa thông minh, hệ thống giải trí trên xe hơi, và các sản phẩm thông minh khác. Smartphone không thực sự là ưu tiên, nhưng công ty cho biết HarmonyOS có khả năng thay thế Android trên các thiết bị di động của mình.
Huawei tiết lộ rằng nếu cần thiết, hãng có thể nhanh chóng chuyển mọi smartphone sang HarmonyOS. Sẽ mất chỉ khoảng từ 1 – 2 ngày để công ty thay thế hệ điều hành Android trên các điện thoại bán ra, quả là ấn tượng, và cũng không kém phần đáng sợ!
6. Các ứng dụng Android sẽ chưa tương thích ngay với HarmonyOS
HarmonyOS sẽ không hỗ trợ các ứng dụng Android ngay khi xuất xưởng. Công ty Trung Quốc cho biết sẽ cần thực hiện một vài thay đổi nhỏ trên các ứng dụng hiện tại để đảm bảo chúng có thể chạy được trên hệ điều hành mới. Tuy nhiên, các nhà phát triển có thể port các ứng dụng Android, HTML5 và Linux sang HarmonyOS bằng cách sử dụng bộ compiler ARK của Huawei – một bộ công cụ mã nguồn mở.
7. Huawei sẽ xây dựng cửa hàng ứng dụng cho riêng mình
Huawei đã tìm cách xây dựng một cửa hàng ứng dụng thay thế cho Google Play Store từ lâu. Cửa hàng ứng dụng của công ty có tên gọi là Huawei AppGallery, và hiện họ đang kêu gọi các nhà phát triển phát hành các ứng dụng Android của họ lên cửa hàng này. Công ty còn giới thiệu Huawei Mobie Services – một lựa chọn thay thế cho Google Play Services.
8. Huawei Mate 30 có thể dùng HarmonyOS
Dù Huawei nhấn mạnh HarmonyOS không thực sự dành cho smartphone, nhưng nó có thể được cài đặt lên dòng Mate 30 sắp tới. Công ty này xác nhận dòng Mate 30 vẫn chưa đạt được chứng nhận Google Play. Nếu lệnh cấm Huawei tiếp diễn, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc có thể buộc phải dùng HarmonyOS trên dòng máy mới này. Hiện đã có một số tin đồn rằng Mate 30 Lite sẽ là smartphone đầu tiên chạy HarmonyOS.
9. HarmonyOS sẽ trở thành mã nguồn mở vào năm sau
Huawei dự định biến HarmonyOS trở thành mã nguồn mở 100% vào năm sau. Nhờ đó, các công ty như OPPO, Vivo và Xiaomi có thể hợp tác và phát triển nó. Lệnh cấm của Mỹ hiện chủ yếu đe dọa Huawei, nhưng có thể mở rộng sang các công ty Trung Quốc khác nữa. Nếu điều đó thực sự xảy ra, các công ty này sẽ cần đến một lựa chọn thay thế như HarmonyOS.
10. HarmonyOS sẽ dành riêng cho thị trường Trung Quốc trong thời gian đầu ra mắt
Huawei sẽ đặt nền móng cho HarmonyOS tại thị trường Trung Quốc, sau đó mới mở rộng ra thị trường quốc tế. Do đó, những sản phẩm đầu tiên chạy HarmonyOS sẽ được giới thiệu tại Trung Quốc, bắt đầu bằng Honor Vision Smart Screen.