50% nhà quản lý tự tin rằng AI sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho doanh nghiệp nhưng chỉ 26% nhân viên tin tưởng lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn khi dùng AI. Việc người lao động tỏ ra e dè trước AI là một phản ứng phòng vệ bản năng
Việc sử dụng AI đang ngày một trở nên phổ biến. Báo cáo khảo sát “Khám phá cuộc cách mạng AI” của PwC cho biết 42% doanh nghiệp đang ứng dụng AI trong công ty, trong khi 35% khẳng định mình đang lên kế hoạch đưa AI vào trợ giúp vận hành doanh nghiệp. Công ty nghiên cứu Research and Market đã đưa ra dự báo tới năm 2021, thị trường cung cấp các hệ thống quản lý doanh nghiệp sẽ có giá trị tới 9,9 tỉ USD, với phần lớn động lực xuất phát từ sự bùng nổ của AI.
“Điều này là một làn sóng không thể tránh khỏi. Khi nhìn thấy những doanh nghiệp trong cùng thị trường bắt đầu vận dụng AI, không sớm thì muộn ta cũng phải theo,” ông Lê Khắc Nhiên An, giám đốc phụ trách mảng Tích hợp liên tục, trưởng bộ phận Pháp chế Bosch Việt Nam nhận định.
Theo đó, các phần mềm AI ngày nay đã có thể phân tích biểu hiện và hành động của ứng viên, từ đó giúp nhân sự công ty đưa ra các quyết định tuyển dụng chính xác và hiệu quả hơn. AI cũng có thể được dùng trong hệ thống đánh giá năng lực, đưa ra các đề nghị khen thưởng dành cho các cá nhân nổi bật trong doanh nghiệp.
Tuy vậy, báo cáo được Dale Carnegie thực hiện năm 2019 trên hơn 3.500 cá nhân của 11 quốc gia lại chỉ ra nghịch lý: trong khi xấp xỉ 50% các nhà quản lý tự tin rằng AI sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho doanh nghiệp, thì chỉ 26% nhân viên tin tưởng lãnh đạo sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn khi dùng AI.
Lý giải sự chênh lệch này, một đại diện doanh nghiệp tại buổi hội thảo “Tự tin làm chủ trong thời đại AI” do Dale Carnegie tổ chức hồi cuối tuần rồi, cho hay: “Không gì khó khăn bằng quản lý con người. Sự xuất hiện của AI sẽ giúp giảm gánh nặng cho những công việc quản lý có tính lặp đi lặp lại, nên dễ hiểu vì sao các lãnh đạo có phản ứng tích cực với AI.”
Trong khi đó, người lao động tỏ ra e dè trước AI là một phản ứng phòng vệ bản năng. 63% người tham gia khảo sát của Dale Carnegie bày tỏ sự quan ngại về tính khách quan của AI, nên họ lo lắng trước viễn cảnh bị máy móc theo dõi, đánh giá kết quả làm việc và đưa ra các quyết định mang tính sống còn cho con đường nghề nghiệp của mình.
Không những vậy, họ lo ngại AI cũng có thể làm “ô nhiễm” môi trường doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình có thể kể như Amazon, “gã khổng lồ” của ngành thương mại điện tử Mỹ, nổi danh với những bước tiến dài trong ứng dụng AI. Nhân viên Amazon từng than phiền họ có cảm giác như rô bốt khi liên tục làm việc dưới sự giám sát của máy móc. Công nghệ, trước đó đã phá vỡ liên kết của các cá nhân trong xã hội, giờ đây khiến nhân viên và doanh nghiệp ngày một xa cách.
“Như vậy bài toán doanh nghiệp cần đối mặt chính là xây dựng lòng tin của nhân viên,” ông Dan Heffernan, giám đốc kinh doanh của Dale Carnegie, chỉ ra. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động đào tạo cho người lao động kiến thức về AI cũng như những kỹ năng cần thiết trong thị trường việc làm tương lai.
Khả năng giao tiếp, sáng tạo, tư duy phản biện cùng kỹ năng lãnh đạo là những tố chất hàng đầu được đề cao khi đánh giá nhân viên, theo báo cáo khảo sát của Dale Carnagie. Mỗi nhân sự phải được truyền đạt và rèn luyện ngay trong chính môi trường làm việc hằng ngày. “Việc trang bị những kỹ năng này sẽ trấn an, tăng mức độ tin tưởng của nhân viên với doanh nghiệp, bất chấp sự xuất hiện của những nhân tố lạ như AI,” giám đốc kinh doanh của Dale Carnegie cho biết.
Mặt khác, không hẳn mọi ngành nghề và tác vụ trong doanh nghiệp sẽ bị thay thế bởi AI. Cho dù công nghệ mới có vượt trội con người ở việc thu thập xử lý dữ liệu và đưa ra dự đoán, con người vẫn chiếm ưu thế trong tất cả các công việc bởi sự tương tác và cảm xúc, Dan Heffernan lý giải và nhận định: “Máy móc cũng không thể đưa ra những quyết định đòi hỏi cân nhắc các yếu tố đạo đức và xã hội.”
Nguồn: Forbes Việt Nam