Hội nghị và Triển lãm Thế giới Số 2020 (ITU Digital World 2020) – sự kiện quan trọng nhất trong năm của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 6-9/9/2020.
Với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số – Buiding the digital world together”, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì và phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức sự kiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 19/12, tại Hà Nội.
Theo thông báo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Triển lãm Viễn thông thế giới (ITU Telecom World) có tên gọi mới là Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) để phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông cũng như sự chuyển đổi của hạ tầng viễn thông là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đổi tên sẽ đánh dấu một giai đoạn mới của lĩnh vực viễn thông trong việc xây dựng chính sách và chiến lược hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra các giá trị mới của nền kinh tế, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Sự thay đổi tên gọi này bắt nguồn từ sáng kiến của Việt Nam trong kỳ Triển lãm Viễn thông Thế giới 2019 được tổ chức tại Hungary. Năm 2020 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số. Sự kiện năm 2020 là mốc đánh dấu cho sự chuyển đổi số toàn diện trong khu vực và trên toàn cầu, từ Chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp, để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 sẽ diễn ra trong 4 ngày, bao gồm chuỗi các hoạt động như diễn đàn Bộ trưởng, Hội nghị Thượng đỉnh và các hội nghị chuyên đề nhằm thảo luận và chia sẻ các chính sách và công nghệ, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về phát triển viễn thông, công nghệ thông tin toàn cầu, nhằm thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số và xã hội số.
Thời gian tới, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Liên minh Viễn thông Thế giới để định hướng các chủ đề thảo luận chính của chương trình hội thảo. Dự kiến, 3 nhóm vấn đề chính, thu hút sự quan tâm của giới công nghệ trong nước và quốc tế là “Kết nối”, “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, “Phát triển bền vững số và trách nhiệm của doanh nghiệp” sẽ là những chủ đề được tập trung thảo luận. Cùng với chương trình hội thảo, phần triển lãm của sự kiện dự kiến sẽ có sự góp mặt của hàng trăm gian hàng giới thiệu, trưng bày các sản phẩm mới nhất, các thiết bị hiện đại, ứng dụng các công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo…, sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông của các doanh nghiệp hàng đầu đến từ nhiều quốc gia. Đây sẽ là điểm nóng thu hút giới công nghệ thông tin viễn thông toàn cầu đến Việt Nam tham quan và trải nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ: Sự kiện mang đến cho Việt Nam cơ hội để khẳng định vai trò trung tâm về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Tham gia sự kiện, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông trong nước sẽ mở rộng cơ hội giới thiệu sản phẩm công nghệ mới, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy kinh doanh, phát triển. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự kiện mang đến cơ hội xúc tiến thương mại, xây dựng, thắt chặt mối quan hệ đối tác với các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Dự kiến, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 sẽ thu hút sự tham gia của trên 5.000 đại biểu tới từ hơn 100 nước thành viên Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu những công nghệ mới nhất, những sản phẩm tối ưu mang thương hiệu Việt – Made in Vietnam, mà còn là dịp để quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Năm 1971, lần đầu tiên Triễn lãm Viễn thông Quốc tế được tổ chức. Từ đó đến nay, mỗi kỳ triển lãm đều thu hút sự tham gia của trên 5.000 đại biểu tới từ hơn 100 nước thành viên Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), trong đó khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo như Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, giới công nghiệp, các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp vừa và nhỏ và giới truyền thông toàn cầu.