Nhà thông minh smarthome có khả năng học và điều chỉnh theo thói quen sẽ ngày càng phổ biến, giúp cuộc sống thuận tiện hơn.
Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức phi chính phủ ActionAid, phụ nữ Việt Nam dành trung bình 4,5 giờ một ngày để làm việc nhà như giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, trông trẻ nhỏ… Đối với nam giới, lượng thời gian này bằng một phần ba.
Như vậy, tính tổng cộng, thời gian dành cho những việc “không tên”, không được trả tiền chiếm 32 giờ một tuần, tương đương 207 ngày làm việc mỗi năm, nếu tính một ngày có 8 giờ làm việc. Khối lượng thời gian này đáng lẽ có thể dành cho các hoạt động chăm sóc bản thân, đi làm được trả lương khác.
“Khi xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao, con người có xu hướng giải phóng bản thân khỏi ràng buộc từ những việc không tên để dồn năng lượng và thời gian cho những công việc mình mong muốn”, ông Vũ Thanh Thắng – Phó chủ tịch BKAV nhận định.
Công nghệ – nền tảng của cuộc sống thông minh
Thành quả của cách mạng 4.0 là sự sản sinh ra các thiết bị công nghệ có tính kết nối cao. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo, Internet of Things…là những nền tảng quan trọng cung cấp các giải pháp xử lý công việc tiết kiệm thời gian, công sức.
Sự kết hợp của các thiết bị trong một giải pháp đồng bộ tạo nên xu hướng sống mới từ nhà thông minh smarthome. Theo đó, việc quản lý và điều khiển ngôi nhà, từ hệ thống chiếu sáng, các thiết bị điện tử, hệ thống an ninh…đều được thực hiện không dây, kết nối qua internet. Các thao tác như tắt, bật đèn, TV, tăng giảm điều hòa, kéo mở rèm cửa… được thực hiện chỉ với một cú chạm trên smartphone hay tablet.
Không chỉ có tính tự động, nhà thông minh còn có khả năng tùy biến, đưa ra các kịch bản theo ngữ cảnh để người dùng lựa chọn. Hệ thống còn có thể hiểu và học theo thói quen sử dụng dựa trên các thay đổi về thời gian, hoàn cảnh của người dùng để cập nhật kịch bản cho phù hợp.
“Đây là sự khác biệt giữa nhà thông minh với nhà tự động hay chỉ đơn thuần là các thiết bị hoạt động dựa trên các lịch trình được cài đặt sẵn”, Phó chủ tịch BKAV cho biết.
“Chẳng hạn, chủ nhà có thói quen đi làm về là bật nhạc, kéo rèm cửa, bật nóng lạnh và để điều hòa ở một nhiệt độ nhất định. Sau vài lần, hệ thống sẽ học, hiểu thói quen và tự động hình thành kịch bản khi đi làm về”, ông Thắng lấy ví dụ.
Xuất hiện từ năm 2003 – 2004, cho đến nay, khái niệm Smarthome đã trở nên phổ biến. Lý giải về sự nở rộ của nhà thông minh những năm gần đây, ông Thắng cho biết, trước hết là do rào cản về giá đã được phá bỏ. Nếu như trước đây, nhà thông minh là khái niệm dành cho đại gia, thường lắp đặt tại các biệt thự thì nay, với từ 30 triệu, các chung cư, liền kề…cũng có thể thiết lập hệ thống đầy đủ các tính năng chiếu sáng, an ninh, điều khiển từ xa…
Bên cạnh các tên tuổi ngoại, nhiều sản phẩm nhà thông minh “made in Vietnam” với mức giá tiệm cận đối tượng phổ thông đã khiến thị trường này cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Thứ hai, các nhà sản xuất đã biết tùy biến theo nhu cầu khách hàng. Chẳng hạn, gói sản phẩm Nhà thông minh Smarthome của BKAV cho phép triển khai trên hệ thống không dây, thay đổi hay mở rộng theo nhu cầu gia chủ mà không phải thay đổi kết cấu công trình trước đó. Sản phẩm hướng tới cả đối tượng phổ thông lẫn cao cấp, với tham vọng phổ cập nhà thông minh tới các hộ gia đình tại Việt Nam.
Theo Statista, doanh thu từ thị trường nhà thông minh tại Việt Nam ước đạt 83 triệu USD năm 2019, đến năm 2023 ước tính 437 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng dự kiến là 51,7% trong giai đoạn 2019 – 2023. Nhà thông minh được dự đoán sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai.
Nguồn: VnExpress