Trước đây, đã có 3 cuộc cách mạng công nghiệp từng diễn ra: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ năm 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ năm 1870) khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh hơn; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ năm 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… là những công nghệ chúng ta có được nhờ cuộc cách mạng này.
Các cuộc cách mạng công nghiệp
Năm 2013, khái niệm Công nghiệp 4.0 xuất hiện trong một báo cáo của Đức nhằm đề cập đến chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa sản xuất mà không còn cần đến sự tham gia của con người. Tính đến năm 2017, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức, lan rộng ra nhiều nước và trở thành một xu thế tất yếu của việc phát triển kinh tế, xã hội…
Công nghiệp 4.0 đã và đang lan rộng, tác động đến các ngành nghề sản xuất của con người: Hãng sản xuất ôtô điện Tesla đã giới thiệu dây chuyền sản xuất hoàn toàn bằng robot; đâu đó trên mạng internet, chúng ta biết được nhiều nhà hàng bán hàng trực tuyến không cần đầu bếp, nhân viên đóng gói mà các dây chuyền sản xuất hiện đại thực hiện tất cả các công đoạn; bồi bàn hay nhân viên chăm sóc y tế cũng do robot đảm nhận,…
Các cơ sở khoa học để tạo nên Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?
“Cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới định nghĩa. Cụ thể là:
Lĩnh vực kỹ thuật số (Công nghệ thông tin): Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật Internet (Internet of Things), Lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data).
Lĩnh vực vật lý: In 3D, Vật liệu mới, Robot cao cấp, xe tự lái.
Lĩnh vực công nghệ sinh học.
Lĩnh vực năng lượng mới.
Trong đó lĩnh vực kỹ thuật số đóng vai trò cốt lõi: Với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy làm việc thông minh, có khả năng ghi nhớ, làm việc không biết mệt mỏi, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người thường chỉ có trong thời gian giới hạn. Vì vậy, máy móc sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vật chất cho con người với chất lượng ổn định, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Vì sao Big Data Analyst là cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0?
Vì phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analyst) là yếu tố cốt lõi để sử dụng và phát triển vạn vật Internet (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Chúng ta đã từng tiếp cận công nghệ nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng giọng nói; hay “trò chuyện” với các “trợ lý ảo” như AI như Siri của Apple, Cortana của Microsoft, Google Assistant, nhà thông minh,… thông qua những câu nói tưởng chừng như bình thường, các trợ lý này có thể “học” và nắm bắt tâm trạng, ý muốn của người dùng để đưa ra những đề nghị, hành động hợp lý. Trong lĩnh vực hàng không, phi công có thể quyết định cho máy bay cất cánh tự động, bay tự AI có thể làm việc như con người, thậm chí ưu việt, chính xác hơn con người. Bởi vì, khi hoạt động, AI cần rất nhiều thông tin để nhận biết chính xác, đầy đủ những điều kiện thực tế môi trường xung quanh, yêu cầu công việc,… thông qua quá trình “máy học” AI đưa ra quyết định hành động chuẩn xác. Những dữ liệu này phải đến từ rất nhiều cảm biến, các hệ thống phụ trợ,… Các thông tin này cần phải được lưu trữ và phân tích xử lý. Nếu có quá ít thông tin thì AI hoạt động sẽ không như ý, càng nhiều thông tin tức là AI học càng nhiều, AI sẽ hoạt động càng chính xác thậm chí có khả năng tư duy, suy luận như dự báo thời tiết, động đất, núi lửa,
đường đi của bão, xu hướng thị trường… Như vậy, dữ liệu lớn, và phân tích dữ liệu lớn là bước quan trọng cốt lõi để xây dựng hệ thống trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các hệ thống máy chủ trong một trung tâm lưu trữ dữ liệu của Google
Hiện nay, trên thế giới các “ông lớn” như Google, Microsoft,… đều phát triển công nghệ lưu trữ dữ liệu, cũng như có những trung tâm lưu trữ khổng lồ. Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng của dữ liệu trong cuộc cách mạng 4.0.
Có 4 loại phân tích dữ liệu lớn:
Phân tích dữ liệu miêu tả (descriptive): mô tả những gì xảy ra ở quá khứ dựa trên những báo cáo bằng biểu đồ, hình ảnh, nhưng không giải thích tại sao và tiên đoán những gì sẽ xảy ra.
Phân tích dữ liệu chuẩn đoán (diagnostic): giải thích những gì đã xảy ra ở quá khứ.
Phân tích dữ liệu tiên đoán (predictive): tiên đoán những gì có thể diễn ra.
Phân tích dữ liệu quy luật (prescriptive): hệ thống quyết định phân tích và tiên đoán dữ liệu và đưa ra những khuyến cáo dựa trên những kết quả phân tích được.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là xu thế của thể giới, vì vậy việc nắm rõ cốt lõi của cuộc cách mạng này là yếu tố sống còn của 1 quốc gia, doanh nghiệp, hay cụ thể hơn là con người, người lao động. Ở có con người phải đối mặt với máy móc, những áp lực từ công việc mà máy móc có thể làm tốt hơn con người sẽ khiến cho thị trường lao động bị mất cân bằng, nhiều công việc sẽ không cần đến sự hiện diện của con người. Như vậy chúng ta phải tích cực thay đổi tâm thế, trang bị những vốn kiến thức chuyên sâu về khoa học kỹ thuật (công nghệ thông tin, an ninh mạng, điện tử viễn thông,…), ngoại ngữ để bắt kịp nhịp phát triển của nhân loại, không bị bỏ lại phía sau.
Tạ Hoàng Khải- QLBMN