Thị trường Việt Nam và xu hướng “siêu ứng dụng”

Sự thành công của mô hình siêu ứng dụng trên thế giới có thể kể đến các tên tuổi như Grab, Amazon, WeChat, Alipay…. Tại Việt Nam, thị trường đang ở giai đoạn đầu với “trăm hoa đua nở”.

Bùng nổ xu hướng siêu ứng dụng

Siêu ứng dụng (super app) còn được gọi là ứng dụng tất cả trong một (one-stop app). Mô hình này là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán…Nhờ đó, người dùng có thể sử dụng nhiều dịch vụ và tiện ích khác nhau trên cùng một ứng dụng, giúp tiết kiệm không gian cho điện thoại.

Ở Việt Nam và cả Đông Nam Á, không phải nền tảng nào cũng có tầm nhìn trở thành “siêu ứng dụng”. Tuy nhiên, về bản chất, việc phát triển ứng dụng đa tính năng đang là hướng đi chung. Đó là bởi vì các dịch vụ gọi xe có biên lợi nhuận thấp hoặc lỗ, vì vậy nên các nền tảng cần đa dạng nguồn thu để tối ưu giá trị thu được từ một người dùng.

Việc trở thành siêu ứng dụng cũng là cách để xây dựng dữ liệu lớn (Big Data). Người dùng càng sử dụng ứng dụng thường xuyên, với nhiều dịch vụ khác nhau thì dữ liệu về bản thân họ càng lớn, đầy đủ và toàn diện. Càng giàu có dữ liệu, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của nhà vận hành có thể phân tích, dự đoán về năng lực tài chính, thói quen, hành vi…của chính người dùng chính xác hơn, nhằm đưa ra giải pháp tiếp thị, tư vấn, ưu đãi và duy trì độ trung thành hiệu quả.

Siêu ứng dụng (super app) còn được gọi là ứng dụng tất cả trong một (one-stop app). Mô hình này là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán…
Grab all in one app – 1 siêu ứng dụng có thể giải quyết vô số nhu cầu khách hàng.

Thị trường siêu ứng dụng tại Việt Nam: Lòng tham không dành cho tất cả

Hơn một năm xuất hiện ở Việt Nam, xu hướng phát triển siêu ứng dụng – ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu, tiếp tục nở rộ. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hoàng Trung – CEO Loship thì hiện tại Việt Nam chưa có ứng dụng nào đủ lớn để được gọi là siêu ứng dụng nên thị trường không quá cạnh tranh. Nhân cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc để sớm trở thành một ‘siêu ứng dụng’ thật sự nhằm chiếm được thị phần trước khi thị trường bước sang giai đoạn đào thải.

Một trong những dụng điển hình đang tăng tốc để trở thành một super app tại Việt Nam là Go-Viet, được định hướng theo mô hình đang rất thành công mà tập đoàn liên kết Go-Jek đang triển khai ở Indonesia. Trước đó, vào đầu tháng 8, “be” cũng đã sẵn sàng tăng tốc cuối năm bằng hai dịch vụ giao hàng là beExpress và beDelivery bên cạnh vận tải (beBike và beCar) và dịch vụ tài chính (beFinancial). Việc sớm triển khai giao đồ ăn (beFood) cũng đã được đề cập.

Trước hàng loạt động thái từ các đối thủ, Grab – đơn vị mang khái niệm ‘siêu ứng dụng’ vào Việt Nam, Grab đã đẩy tần suất sử dụng dịch vụ thanh toán bằng cách quy định người dùng phải thanh toán thông qua ví Moca. Từ đó, Grab mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm, giữ chân khách hàng trước sự cạnh tranh của các nền tảng khác.

Những dụng điển hình đang tăng tốc để trở thành một super app tại Việt Nam. Zalo rất “rón rén” trong cuộc đua siêu ứng dụng không cân sức về nguồn lực tài chính tại thị trường Việt Nam.
Những dụng điển hình đang tăng tốc để trở thành một super app tại Việt Nam : Grab, Zalo, MoMo, be…

Anh Nguyễn Hoàng Trung cho rằng: “Trở thành siêu ứng dụng là lòng tham của các công ty. Mọi công ty đều nghĩ rằng tôi làm được cái này sao lại không làm được cái kia. Điều quan trọng là tất cả những cái đó phải có sự liên kết nhất định. Nguy hiểm là khi các công ty quá tham lam, dẫn đến việc là cái gì cũng làm nhưng không có gì thành công. Mọi siêu ứng dụng phải xác định được cái gì là xương sống để lấy đó làm nền tảng phát triển các dịch vụ xung quanh”.

Từ quan điểm của Loship – ứng dụng cung cấp 11 dịch vụ bằng xe 2 bánh, thách thức của thị trường siêu ứng dụng tại Việt Nam là việc thay đổi thói quen người tiêu dùng, tạo ra những dịch vụ phù hợp với hành vi của người Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty cũng nên xây dựng mối quan hệ tốt với chính phủ như một nhân tố góp phần thúc đẩy công ty phát triển.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung: "Mọi siêu ứng dụng phải xác định được cái gì là xương sống để lấy đó làm nền tảng phát triển các dịch vụ xung quanh”
CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ quan điểm về thị trường siêu ứng dụng tại Việt Nam:

Một quan điểm khác về thị trường siêu ứng dụng tại Việt Nam từ anh Trường Bomi – CEO của Lala – cho rằng “cuộc chiến siêu ứng dụng chỉ dành cho những “ông lớn” lắm tiền chứ các doanh nghiệp nhỏ khó có thể theo đuổi nổi”. Bởi hiện nay Việt Nam có cả chục ứng dụng đặt xe, tuy nhiên phần lớn trong số đó chỉ là cho có hoặc hoạt động cầm chừng không hiệu quả, bởi nếu bung tiền ra “đốt” khuyến mãi thì sẽ đụng ngay với Grab, Go-Viet…

Điển hình là Zalo – nền tảng ứng dụng lớn nhất Việt Nam với hơn 100 triệu người dùng, tích hợp nhiều dịch vụ như gọi taxi (Zalo Taxi), gọi đồ ăn (Zalo Food), du lịch (Zalo Travel), tài chính (Zalo Bank) và các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử (eGovernment) – có lượng người dùng ngang ngửa với Grab và Go-Jek, cũng đang phải rất “rón rén” trong cuộc đua siêu ứng dụng không cân sức về nguồn lực tài chính tại thị trường Việt Nam. Có thể Zalo đang tìm con đường riêng không cạnh tranh bằng thế mạnh “đốt” tiền. Nhưng nói thì dễ chứ để thực sự tìm ra được một con đường như vậy là rất khó, thậm chí không khả thi.

Kết luận

Nhìn tổng quan, những ứng dụng có nhiều tự tin cạnh tranh trên thị trường hiện nay không ít thì nhiều cũng phải có chỗ dựa tài chính vững chắc, điển hình như Grab với các khoản đầu tư đến hàng trăm triệu USD, Go-Viet (Go-Jek) hay Now (SEA – Singapore). Sự phát triển vượt bậc của các siêu ứng dụng có thế mạnh tài chính tạo ra sự cách biệt lớn với các ứng dụng nhỏ có nguồn vốn chỉ vài triệu USD tại thị trường Việt Nam hiện nay. Siêu ứng dụng đồng nghĩa với siêu tiện dụng, tuy nhiên gom tất cả về “một nhà” không phải là ý tưởng tốt nhất đối với hệ sinh thái về lâu dài. Yếu tố cạnh tranh là cần thiết trên thị trường bởi nó thúc đẩy đổi mới và ngăn chặn việc một công ty sở hữu quyền lực quá lớn.

Nguồn: renews.vn